(Về Đền Hùng và Lễ hội Hùng Vương)
DƯƠNG HUY THIỆN
Đền Hùng, nơi thờ tự vua Hùng đã có công dựng nước - Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng - ngày hội văn hoá lớn của dân tộc đã trở thành Quốc lễ (Năm 2005 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với qui mô quốc gia). Mỗi người dân Việt Nam luôn nhớ về ngày giỗ Tổ - ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm. Vào ngày giỗ Tổ, những người con đất Việt muôn tấm lòng hướng về đất Tổ, triệu triệu con tim hoà nhịp đập cội nguồn thành những bản nhạc, tiếng chim gọi đàn; khơi dậy trong tâm hồn mỗi người Việt Nam những tình cảm thiêng liêng hướng về cội nguồn.
Hồ Bắc “Về Đền Hùng” với sự xốn xang trong lòng trước “Rừng cọ xoè như tay ai vẫy chào” và “lên cao, lên cao theo từng bậc đá rêu phong. Lên cao, lên cao nghe hồn non nước vọng về” quyện vào lời Bác năm nào dặn đàn cháu con giữ đất nước Vua Hùng dựng xây. Về Đền Hùng trong Giếng Ngọc để “Thêm tự hào về Tổ quốc bốn nghìn năm...”. Thanh Phúc về Đền Hùng là về “Phú Thọ - quê hương tôi”: Phú Thọ “Đồi núi màu xanh bát ngát - Ven bờ sông Thao mát lịm phù sa… nhà ai toả khói lam chiều… cô gái chót cọ non… làm nên chiếc nón đội đầu… chè thơm ngát vì hương… đậm đà giọng nói... cô thợ rừng đến mùa được gỗ em nhắn anh lên cùng đóng bè về xuôi. Hôm nay trên mảnh đất trung du… Con cháu vua Hùng, con cháu Bác Hồ tô đẹp núi sông…”.
Công ơn Vua Hùng ghi đậm trong lòng người dân đất Việt, họ nô nức “Về thăm đất Tổ”.
“Em chèo thuyền trôi nhanh trên dòng Lô. Em đưa anh về thăm đất Tổ vua Hùng… Dắt tay nhau lên Đền… Em kể anh nghe về miền đất Tổ, cha Lạc Long Quân từ đây đi mở nước, mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng nơi này. Em ngắt chùm hoa lửa bồi hồi, đốt nén hương trầm dâng mẹ Âu Cơ…” (Lại Thế Cường - Ngô Quang Nam).
Đặng An Nguyên khi “Về miền đất Tổ”, về quê Phú Thọ thì thiết tha nhắn nhủ: “Dù ai đi đâu về đâu hướng về ngày xuân giỗ Tổ. Trải bốn ngàn năm dựng nước, cho hôm nay và tất cả mai sau… Còn âm vang những điệu Hát Xoan vang vọng cả xóm thôn, sâu thẳm con tim”. Cùng nhịp đập, Vũ Thanh khi dạo bước trên đường Hùng Vương cũng “Như say như mơ chiều vào cõi xưa huyền thoại”
Người người về hội Đền Hùng vì nghĩa cả cùng với nỗi niềm riêng tư. Lê Quang Vũ và Ngọc Bảo về lễ hội Đền Hùng còn để tìm em, tìm anh: “Tìm em, tìm em giữa hội Đền Hùng - giữa trập trùng ngàn cây” với “câu Xoan em hát ngập ngừng… Cùng nhờ có ngọn gió thời hoang sơ… Câu Xoan em hát để anh đi tìm… Đi tìm và gặp em” và “Cùng em đi hội mùa xuân”… “Anh và em … xốn xang là bao câu hát hội xuân… Cùng nghe âm vang trống đồng nghe như hồn thiêng sông núi… Cùng nghe câu Xoan, câu Ghẹo… xanh thắm bao nghĩa tình…” (Tìm em giữa hội Đền Hùng - Nguyễn Hùng).
Mùa xuân trẩy hội dạt dào tình nghĩa bởi những câu hát dìu dặt vấn vương lòng người. Mùa xuân trẩy hội, người người đắm mình trong niềm vui náo nức như nhện mắc tơ vương… “Câu Xoan em hát giữa hội để lòng anh đắm say”. Câu Xoan
(Xem tiếp trang 101)
xen với tiếng trống đồng, tiếng đâm đuống, tiếng thậm tiếng thình… như giục giã người người bước nhanh: “Phong Châu hạc trắng đang bay về ơ.ơ.. Nghĩa Lĩnh Linh Sơn, chín mươi chín thớt voi đã chầu ơ - ơ - ơ… Gióng cồng lên, nổi trống lên rước Tổ Tông về ngự núi thiêng. Để đời sau ơn nặng nghĩa sâu kính cáo trước đất dầy, trời cao… Trầm hương bay tựa khói mây nơi thiên thu giao hoà. Khúc hát Xoan cho thêm hồng đôi má hội xuân đón mời… Châu Phong Vua Hùng du xuân xuống đồng. Tầm vông a vông tập tầm vông tầm vông. Ta theo Vua Hùng du xuân xuống đồng - Ta ca đây ngàn năm non nước nhà” (Mùa xuân trẩy hội - Ngô Minh Toán).
Hội xuân Đền Hùng mở từ đầu xuân và khép lại vào cuối xuân. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10-3 âm lịch nhưng hình ảnh Vua Hùng thì cứ in đậm trong lòng người dân đất Việt. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” vì thế đã được Thế giới vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” sẽ tạo thêm sức mạnh cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong quá khứ, trong hiện tại và mãi mãi mai sau.
D.H.T