Nghị quyết Trung ương 4 ra đời kịp thời, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan không nể nang, né tránh để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Đợt học tập Nghị quyết Trung ương 4 lần này giúp chúng ta nhớ lại những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng, về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và những lời cảnh báo, căn dặn, nhắc nhở của Người trên 50 năm về trước. Trong bài “ Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Bác viết: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, trang 261). Nói về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cách đây 60 năm về trước Bác Hồ đã cảnh báo, nhắc nhở: “Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng. (“Thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, 1952. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, trang 194)
Để ngăn ngừa cái xấu ấy, Đảng ta từ trên đến dưới phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng tự phê bình và phê bình” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, trang 568 - 569). Không chỉ phê phán khuyết điểm, thiếu sót của những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Bác còn nêu rõ cách sửa chữa: “Để sửa chữa thì phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức, nhận rõ điều gì là phải, thì cố gắng làm, điều gì là trái thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải cố gắng thực hiện cho kì được: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gần gũi nhân dân, học tập nhân dân, vì gần gũi nhân dân sẽ cảm thông những khó khăn, gian khổ của nhân dân, thấy rõ những gương anh hùng của nhân dân, giúp ta củng cố lập trường, trau dồi tư tưởng. Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình (“Người cán bộ cách mạng”, 3-3-1955, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, trang 482)
Còn nhiều bài viết, bài nói khác của Bác về Đảng, về đạo đức cách mạng, đấu tranh phê bình và tự phê bình, phê phán chủ nghĩa cá nhân, phê phán sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên... mà chúng tôi không có điều kiện kể hết. Đọc lại những bài viết đó, đọc lại một số lời căn dặn, nhắc nhở chân tình, sâu sắc của Người cách đây trên nửa thế kỷ, ta thấy tính thời sự, tính dự báo, tính nhân văn, tính chiến đấu cao trong các tác phẩm, bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đ.H.H