NGUYỄN VĂN QUẢNG
Tôi yêu thơ. Do biết chút ít ngoại ngữ, tôi thường tìm đọc các nhà thơ nước ngoài trong nguyên bản hay ít ra cũng trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Gặp những tác phẩm mà tôi cho là hay và thích, đôi khi tôi dịch ra tiếng Việt, và chỉ cho mình. Về sau, một vài người bạn mà tôi tặng những bản dịch nôm na ấy khuyên tôi nên gửi đăng báo cho nhiều người cùng thưởng thức. Bài Ăm-pa-rô (Amparo) của Frederico Garcia Lorca (1898 - 1936) là một trường hợp như vậy.
Bấy giờ, tờ Nhân Dân chủ nhật đang do ông Lê Thấu phụ trách. Sau khi cẩn thận chép thật sạch sẽ bản dịch bài thơ Ăm-pa-rô ra giấy tốt, tôi đích thân tới xin gặp ông Lê Thấu tại tòa soạn, số 71 Hàng Trống, ông ra tận phòng khách gần cổng khu trụ sở báo Nhân Dân tiếp tôi. Dù chúng tôi chưa hề quen biết nhau, song nụ cười chân thành và lịch lãm, trọng thị của ông tức khắc làm tôi yên lòng. Tôi tự giới thiệu, trình bày cảm nhận của tôi về bài thơ của Lorca, coi như lý do khiến tôi dịch nó và muốn được nhiều người cùng đọc.
Bài thơ dịch được đăng. Và tôi được trải niềm vui của người có những tâm sự cao đẹp thầm kín được chia sẻ. Với bài Ăm-pa-rô, thêm một lần nữa, tôi đinh ninh rằng văn chương nói chung và thơ ca nói riêng sở dĩ cần cho xã hội vì chúng giúp chúng ta chia sẻ những gì gan ruột nhất, những điều có thể nói là thiêng liêng nhưng không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hàng ngày, vì thế thì sẽ qua tự nhiên và mộc mạc, và lời nói trở thành thô thiển. Rằng một xã hội không có những chia sẻ như vậy sẽ là một xã hội không hồn, một xã hội chết.
Tôi chú ý tới Garcia Lorca rất sớm, nhưng do khó khăn về tư liệu hồi ấy, chỉ tìm hiểu được về ông dần dần. Ông lớn lên nơi đồng quê, giữa bề bộn việc nông nặng nhọc, gần gũi với nông dân lam lũ nhưng hiền minh tuyệt đỉnh. Sự hiền minh này được ông tiếp thu và đưa vào nghệ thuật và thơ ca của mình. Hiền minh của người lao động thật giản dị: Chối bỏ tích cực sự phân cách và chia rẽ con người với con người, khao khát điềm đạm và sâu sắc việc thấu hiểu nhau, đồng cảm, giao hòa và hòa hợp trên nền tảng nhân nghĩa bất tử. Hiến minh ấy là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn và động lực ngày càng mạnh mẽ trong hoạt động văn học nghệ thuật của ông. Càng biết về ông, tôi càng bị lôi cuốn bởi một phát hiện mà tôi vẫn xem như một quy luật cơ bản của văn học nghệ thuật. Đó là sự gắn bó của nghệ sĩ với nhân dân lao động quyết định tầm vóc của họ. Garcia Lorca được suy tôn là nhà thơ Tây Ban Nha hiện đại vĩ đại nhất, đơn giản vì ông quan tâm hơn hết đến cuộc đời của nhân dân lao động và quyết chí thể hiện cuộc đời ấy nhiều chiều bằng một nghệ thuật tuyệt kỳ tinh xảo...
Trong thi phẩm đồ sộ của Garcia Lorca, nổi lên tập Tình ca Di gan, mà hồn cốt là sự hiển minh của tộc người chuyên sống du cư, yêu đời, yêu tự do, luôn trọng đạo nghĩa, luôn giữ bản chất hướng thiện, đặc biệt nhất định không chịu khép mình vào trào lưu dập khuôn chung của thời đại, mà luôn giữ gìn tính độc lập trong suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tính độc lập này chính là sự hiền minh của nhân dân lao động, là ứng xử hợp tình hợp lý tối ưu, nhằm bảo đảm cho cộng đồng tồn vong bình yên và phát triển lành mạnh. Tập thơ được tái bản bảy lần từ khi ra mắt năm 1928, cho đến khi Lorca bị bắn gục, 1936. Từ đó, nó liên tục được in lại và được dịch sang nhiều thứ tiếng, với không ít bản dịch trong một ngôn ngữ.
Tôi yêu mến nhiều bài trong tập thơ, song thường dừng lâu ở những bài ngắn. Và Ăm-pa-rô được chọn dịch vì nó như một bản dân ca, cô đúc, tự nhiên và “nói ít hiểu nhiều”. Bài thơ gồm mười bảy câu ngắn, nhưng chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn. Chuyện đó là: Một cô gái ở nhà một mình, say mê thả hồn vào những đường thêu, bằng lòng với cái đẹp dung dị, quên hết xung quanh, trong khi một chàng trai bên ngoài, thầm ngắm nghía cô, cảm động vì vẻ thuần khiết của cô, được âm thanh của nước trong sân sau nhà cô, cũng như sự xao động của các cây bách và chim chóc chao lượn trên trời thúc giục. Tất cả, bên trong và bên ngoài lòng chàng, đẩy tình yêu của chàng lên đỉnh điểm. Song chàng không dám vào nhà, không dám cất lên lời yêu hẳn không nén được nữa, trong bối cảnh hoàn toàn thích hợp cho những lời như vậy. Chàng có lẽ không thiếu can đảm trong các việc khác. Nhưng trong trường hợp đang bàn, chàng hoặc e rằng cô gái đã có người yêu, vì cô đang thêu khăn tặng người may mắn đó (?), hoặc không chắc cô có yêu mình không, tức đây là một tình yêu đơn phương, hoặc không muốn phá vỡ mất niềm vui và tự do của cô, điểm mấu chốt của tình yêu đích thực. Nói cho cùng, tình yêu đích thực là vĩnh viễn, đòi hỏi sự hạn chế tự do và hy sinh một phần những thích thú riêng của mỗi bạn tình. Cái thần thánh và thiêng liêng của tình yêu nằm ở chỗ tế nhị không dễ nhận biết ấy, ở luật đời tưởng rất dễ tuân thủ nhưng lại khó hơn mọi bộ luật. Do thế, sự trân trọng tình yêu, cái gốc của đời sống tình cảm, là bổn phận cao cả nhất và đắt giá nhất.
Trong Ăm-pa-rô, bản chất nói trên của tình yêu đôi lứa đã được diễn tả thật tự nhiên và thuyết phục qua một tình huống cụ thể. Tâm trạng “Lời yêu khó ngỏ” là phổ biến và điển hình ở mọi xã hội và mọi thời đại. Nếu bỏ đi tên riêng Ăm-pa-rô và tên sân trong ở Tây Ban Nha, pa-chi-ô (patio), bài thơ sẽ là một bài thơ thuần Việt. Đọc bài thơ lần đầu tiên, tôi đã xúc động và muốn chuyển ngữ tức thì. Tôi đã suy nghĩ nhiều, cố dịch sao cho bài thơ hồn nhiên, dễ hiểu, đúng như nguyên bản. Dịch xong, tôi thấy ưng ý và vẫn rưng rưng vì chất nhân bản của tình người, của tình yêu có sức mạnh xuyên qua mọi biên giới, mọi rào cản, để lan tỏa tới muôn đời. Và niềm tin của tôi đã được xác nhận một cách bất ngờ, ngoài tưởng tượng của tôi.
Dưới đây là bản dịch bài thơ Ăm-pa-rô đã được giới thiệu trên tờ Nhân Dân chủ nhật năm ấy.
Ăm-pa-rô
Ăm-pa-rô
Chỉ mình em trong nhà
Mặc trắng
Từa tựa mầu hoa nhài
Mầu cam tùng cũng giống
Em có nghe róc rách
Nước trong pa-chi-ô (*)
Em thấy chăng trong chiều
Bách và chim rung động
Thế mà em chầm chậm
Thêu chữ trên vải thô
Ăm-pa-rô
Chỉ mình em trong nhà
Mặc trắng
Ăm-pa-rô
Khó nói cùng em lắm
Rằng anh yêu em.
N.V.Q
(*) Sân sau trong các nhà ở Tây Ban Nha.