NGƯỜI CHỈ HUY ĐOÀN DÂN CÔNG NĂM ẤY
Vũ Kim Liên
Về xã Minh Hòa – xã đặc biệt khó khăn, đồng thời là xã duy nhất có di tích lịch sử chiến khu cách mạng của huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, tôi được đồng chí Hoàng Khắc Mai – Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu và đưa đến thăm cụ Đinh Công Đạc – người chiến sĩ, chỉ huy đoàn dân công hỏa tuyến của huyện tham gia các chiến dịch lớn như chiến dịch Biên giới, chiến dịch Hòa Bình và chiến dịch Điện Biên góp phần cùng dân tộc phá tan ách đô hộ của thực dân Pháp.
Cụ Đạc năm nay bước vào tuổi 83 nhưng còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Khi được hỏi về những năm tháng sôi nổi của thời trai trẻ, đôi mắt cụ sáng lên lấp lánh.
 |
Cụ Đinh Công Đạc – người chiến sĩ, chỉ huy đoàn dân công hỏa tuyến năm xưa Ảnh: K.L |
Lợi dụng địa thế vùng rừng núi quanh co, hiểm trở, đi lại khó khăn, năm 1945, cán bộ Việt Minh về làng Phục Cổ (tên gọi xưa của xã Minh Hòa) làm công tác tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, kêu gọi quần chúng, vận động thanh niên trai tráng thành lập chiến khu Phục Cổ, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Lúc ấy anh thanh niên người dân tộc Mường - Đinh Công Đạc mới 15 tuổi hăng hái tham gia vào đội dân quân du kích, ngày đêm luyện tập quân sự, chuẩn bị các loại vũ khí thô sơ như giáo mác, tên, nỏ…để đi cướp chính quyền về tay nhân dân. Ngày 5/7/1945, nhân ngày lễ cầu Thượng điền tại đình làng Phục Cổ, đội dân quân du kích dưới sự chỉ huy của các cán bộ Việt Minh đã vận động dân làng đứng lên cướp chính quyền ở địa phương, tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền phong kiến, thành lập Ủy ban lâm thời và các đoàn thể cứu quốc như Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ. Đinh Công Đạc được bầu vào Ban chấp hành thanh niên, phụ trách công tác thiếu niên nhi đồng và tham gia dạy bình dân học vụ, cùng diệt giặc dốt, chống giặc đói, bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả của cách mạng. 18 tuổi, anh được kết nạp vào Đảng và được Huyện ủy Yên Lập lấy lên làm cán bộ. Ở đây, anh được phân công làm công tác dân vận vừa vận động thanh niên tòng quân giết giặc, vừa vận động nhân dân các dân tộc giao nộp thuế nông nghiệp, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các chiến trường đánh Pháp… Rồi anh được cử cùng với một số cán bộ khác đưa các đoàn dân công của huyện tiếp tế cho các chiến trường đánh Pháp. Đoàn dân công do anh chỉ huy đã gánh gạo muối, thực phẩm, vũ khí đi bộ qua khắp các vùng miền, từ Yên Lập đến Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, đối đầu với nhiều cuộc tập kích bằng máy bay của giặc mà vẫn đảm bảo an toàn cho dân công, an toàn cho cả tuyến đường, tránh được những mất mát thương vong. Hàng hóa, đạn dược do dân công Yên Lập vận chuyển đến tận các chiến trường đã góp phần cùng bộ đội ta thừa thắng xốc tới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của từng chiến dịch. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đinh Công Đạc lại trở về làm cán bộ huyện ủy và các đoàn thể, tiếp tục gắn bó với nhân dân. Do có nhiều thành tích trong công tác, anh được điều động lên tỉnh làm giảng viên trường Đảng tỉnh, vừa tham gia giảng dạy, vừa tích cực hoạt động trong các phong trào chung của tỉnh cho đến năm 1982 được nhà nước cho nghỉ chế độ.
Về hưu nhưng ông Đạc vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, cùng nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 1990, nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng đến hộ quản lý, bảo vệ và sử dụng, ông đứng ra nhận khoán 10 hecta đồi rừng của Lâm trường Yên Lập với thời gian là 30 năm. Ông tiến hành trồng cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả kết hợp với chăn thả gia cầm, nuôi cá và trồng xen cây rau màu lương thực ngắn ngày trên diện tích nhận khoán. Không có tiền, ông đi vay, không có nhân công, vợ chồng ông tự mình sản xuất…Tích cóp nhặt nhạnh từ những sản phẩm ngắn ngày, dần dần trang trại của ông cũng đã hình thành. Có tiền từ bán các sản phẩm đó, ông mượn thêm lao động của địa phương cùng phụ giúp. Lứa cây đầu tiên cho khai thác (1997 -1998), gia đình ông đã thu về trên 50 triệu đồng từ quế, bồ đề, vàng tâm chưa kể mỗi năm thu gần 4 tấn lúa nương và chục tấn sắn, hàng tạ gà, vịt và hàng tấn cá quanh các ao, dộc trong khu diện tích mà ông nhận khoán. Cũng lần khai thác đầu tiên này ông đã hoàn đủ vốn vay ban đầu. Chu kỳ khai thác sau thu nhập cao hơn chu kỳ khai thác trước, trừ các khoản chi phí còn có lãi cả trăm triệu đồng. Cứ sau mỗi lần thu hoạch, gia đình ông lại dành phần lớn kinh phí thu được để đầu tư trở lại cho rừng, tiếp tục trồng cây nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy sản xuất gỗ, sản xuất giấy ở tỉnh.
…Đến nay, tuổi đã cao, sức đã yếu, cụ Đạc không lên rừng nữa mà ở nhà chỉ huy con cháu thay mình tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương. Bằng kinh nghiệm của mình, cụ hướng dẫn con cháu từ cách trồng, chăm sóc, bảo vệ để rừng phát triển xanh tốt, đúng chu kỳ, hiệu quả, hứa hẹn cho những vụ thu hoạch lớn. Cụ có 5 người con thì cả 5 anh, chị đều đã trưởng thành, có người gánh vác những trọng trách cao của xã hội, trong đó có một người là Đại tá Quân đội đã nghỉ hưu và một là Thượng tá – Phó trưởng Công an huyện hiện đang tại chức.
Hiện cụ vẫn đang đảm nhiệm chức vụ “cố vấn” không chuyên cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong mọi công việc từ hoạch định đường lối đến tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, tham gia biên soạn lịch sử Đảng bộ xã. Mặt khác, cụ vẫn tích cực tham gia hoạt động trong Hội Người cao tuổi, vận động thành lập Câu lạc bộ văn thể sinh hoạt thường xuyên với phương châm “Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho cộng đồng”, góp phần đưa hoạt động của Hội Người cao tuổi xã Minh Hòa trở thành Hội có phong trào khá của huyện miền núi Yên Lập./.
VKL